Chợ Quê Tân Thuận
Chiều ngày 03/12, Uỷ ban nhân dân xã Tân Thuận Đông, thành phố Cao Lãnh phối hợp với Công ty Cổ phần Mỹ Phước Thành Du lịch Đồng Tháp ra mắt tour du lịch trải nghiệm chợ quê cồn Tân Thuận Đông.
Khách du lịch thích thú khi đến trải nghiệm Chợ quê Tân Thuận Đông
Cập nhật ngày: 06/02/2024 10:56:58
ĐTO - Nếu có dịp về thăm Chợ quê Tân Thuận Đông (xã Tân Thuận Đông, TP Cao Lãnh) vào dịp cuối tuần, du khách sẽ cảm thấy rất thích thú trước vẻ đẹp chân chất, mộc mạc. Những người bà, người chị đon đả mời chào du khách, rồi hào sảng mời du khách dùng thử đủ thứ món bánh quê trước khi mua hàng...
Mua sắm, thưởng thức nhiều loại bánh dân gian là trải nghiệm thú vị khi khách du lịch đến tham quan Chợ quê Tân Thuận Đông
Cứ đều đặn vào thứ Bảy hàng tuần từ 14 - 20 giờ, du khách từ nhiều tỉnh, thành tìm về Chợ quê cù lao Tân Thuận Đông tham quan, trải nghiệm không gian chợ xưa. Lần đầu tiên đến tham quan Chợ quê Tân Thuận Đông, bà Đoàn Thị Đông, đến từ TP Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, bộc bạch: “Thấy báo, đài, mạng xã hội giới thiệu ở Đồng Tháp có Chợ quê Tân Thuận Đông hấp dẫn, sinh động nên cuối tuần, cả gia đình tôi đến đây để trải nghiệm. Mặc dù quảng đường di chuyển có xa, nhưng khi đến chợ quê, tôi thấy không tiếc khi dành thời gian đến đây. Đồ ăn ở đây phong phú mà món nào ăn cũng ngon. Điều tôi thích và xúc động nhất khi đến tham quan chợ quê này là cảm giác được trở về những ngày xưa yêu dấu của mình, cái thời mộc mạc, phụ nữ ai cũng mặc áo bà ba đi chợ...”.
Các sản vật nhà vườn được bán tại Chợ quê Tân Thuận Đông
Đến với Chợ quê Tân Thuận Đông, du khách sẽ bị hấp dẫn trước sự hoành tráng của bộ sưu tập bánh dân gian và món ăn vặt miền quê, từ những loại bánh dân dã như: bánh bèo, bánh xèo, bánh khọt, bánh ít trần, bánh cúng, bánh đúc... cho đến những loại bánh dân gian chỉ xuất hiện ở đám tiệc ngày xưa như: bánh phu thê, bánh mãng cầu, bánh trái bí...
Bà Đặng Thị Biết ngụ xã Tân Thuận Đông, phấn khởi chia sẻ: “Trước đây, tôi chỉ làm bánh ít trần rồi đem ra chợ bán khoảng 100 cái/ngày, thu nhập khoảng 100.000 đồng. Từ ngày có chợ quê, khách du lịch đến tham quan nhiều nên mỗi phiên chợ cuối tuần tôi làm 200 - 300 cái bánh, thu nhập tăng thêm khoảng 200 - 300 trăm ngàn đồng/phiên chợ”.
Qua gần 2 năm hoạt động, từ 24 hộ dân tham gia kinh doanh ban đầu, nay Chợ quê Tân Thuận Đông đã có gần 70 hộ dân tham gia bán hàng. Chợ quê hoạt động sôi động, thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, góp phần giúp người dân địa phương nâng cao thu nhập, đồng thời có thêm một kênh mới để quảng bá nông sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp của địa phương đến với du khách gần xa.
Khách du lịch được tiểu thương ở chợ quê chia sẻ về nguồn gốc, xuất xứ của những chiếc bánh
Ông Phan Hoàng Huy - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thuận Đông, cho bết: “Mô hình chợ quê hoạt động từ tháng 3/2022, đến nay đã tổ chức được 58 buổi họp chợ, thu hút trên 130.000 lượt khách tham quan, doanh thu trên 9 tỷ đồng. Hiện mỗi tuần, Chợ quê Tân Thuận Đông thu hút khoảng 1.500 - 2.000 lượt khách, riêng dịp lễ 2/9 và Tết Dương lịch chợ đón hơn 4.000 khách...”.
Nhằm phát triển Chợ quê Tân Thuận Đông theo hướng chuyên nghiệp, bền vững, UBND xã Tân Thuận Đông đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể. Theo đó, địa phương thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp tập huấn cho các tiểu thương về an toàn vệ sinh thực phẩm, kỹ năng phục vụ khách du lịch, hướng dẫn tiểu thương kinh doanh đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế sử dụng chai, hộp nhựa, túi ni lông... Đặc biệt, nhằm đảm bảo an ninh cho khu chợ, địa phương bố trí lực lượng an ninh trực xuyên suốt trong thời gian diễn ra phiên chợ.
Dịp cuối tuần, chúng tôi đến thành phố Hồng Ngự rồi qua phà Mương Lớn tìm về phiên chợ quê ở xã cù lao Long Thuận, huyện Hồng Ngự. Trên phà qua sông, tâm trạng ai cũng háo hức được trở về chợ, tìm lại những món ăn dân dã do chính bà con nông dân tự tay làm, mang bán.
Nào là si-rô đá bào, ốc, hến, bánh xèo, bắp trái nướng, mắm, bánh bò, bánh tét, bánh ít, bánh canh, thức ăn chay..., từng món đều được trang trí bắt mắt, đậm đà hương vị quê hương xứ sở cù lao.
Chợ quê xã Long Thuận nằm trên đường nhánh Ông Thắng (ấp Long Hòa) khai mạc phiên đầu vào ngày 19/5/2023, hoạt động từ 15 giờ đến 21 giờ ngày thứ bảy hằng tuần. Mô hình chợ tái hiện lại khung cảnh xưa với gần như đầy đủ món ăn “cây nhà lá vườn”, nhất là các món dân dã và truyền thống. Khu tự sản tự tiêu với các loại rau, cá đồng, khô các loại và trái cây do người dân tự trồng, thu hái. Bước đầu có ba khu vực với quy mô hơn 65 điểm mua bán.
Tuy là chợ quê nhưng người bán phải được tập huấn kiến thức để các mặt hàng ăn uống bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, du khách còn được trải nghiệm chụp ảnh check-in, ngắm cảnh đồng quê với vườn rau hữu cơ. Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất-tiêu thụ rau an toàn xã Long Thuận, Dương Minh Sang cho biết:
Phiên chợ do Ủy ban nhân dân xã phối hợp với Hợp tác xã tổ chức. Sắp tới, sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm hoạt động thường xuyên và thông suốt. Xây dựng các tiểu cảnh phụ để chụp ảnh check-in, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch; bố trí nơi giữ xe cho khách tham quan chợ; bố trí tần suất thu gom rác thải phù hợp.
Chiều thứ bảy, ngày 3/12/2022, xã cù lao Tân Thuận Đông, thành phố Cao Lãnh triển khai thử nghiệm khai trương tuần đầu phiên chợ Cù lao Tân Thuận Đông tại khu vực ấp Tân Phát. Khi ấy có 24 hộ dân tham gia trưng bày và mua bán các sản phẩm đặc trưng của địa phương, sản phẩm OCOP; tổ chức giao lưu, biểu diễn đờn ca tài tử-hò Đồng Tháp, trò chơi dân gian và các hoạt động văn hóa văn nghệ. Thời gian hoạt động từ 10 giờ đến trước 19 giờ, vào thứ bảy hằng tuần, tùy tình hình thực tế sẽ điều chỉnh thời gian và số ngày hoạt động phù hợp. Tham gia phiên chợ là các thành viên hợp tác xã, hội quán, người dân và doanh nghiệp.
Theo Ủy ban nhân dân thành phố Cao Lãnh, qua hơn 8 tháng triển khai thực hiện, chợ đón hơn 60.000 lượt khách đến tham quan, vui chơi, mua sắm, tổng doanh thu đạt gần 4 tỷ đồng. Hiện đã có 66 hộ dân tham gia mua bán, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động và tạo thu nhập cho người dân địa phương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cao Lãnh Lê Thị Mai Trinh cho rằng, điều được nhất qua phiên chợ là thấy được nhu cầu trải nghiệm của du khách nội địa ngoài địa phương rất lớn.
Đây chính là tiềm năng, điều kiện để phát triển các loại hình dịch vụ khác tại xã Tân Thuận Đông và một số địa phương khác của thành phố Cao Lãnh. Tuy vậy, trong quá trình triển khai thực hiện cũng bộc lộ một số vướng mắc, hạn chế như: nhân lực phục vụ, trang trí, việc bố trí các bến bãi đưa rước khách chưa hợp lý, khoa học... cần phải sắp xếp, tổ chức lại.
Phiên chợ quê Gò Tháp, huyện Tháp Mười cũng có nét hết sức đặc trưng khi được tổ chức theo hình thức chợ quê xưa gắn với không gian sen tại Di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp.
Được tổ chức mỗi tháng một lần vào ngày thứ bảy của tuần cuối cùng trong tháng, đến nay, chợ quê Gò Tháp đã là phiên thứ năm. Nhằm tái hiện không gian chợ quê xưa, các gian hàng được bài trí theo kiểu chợ truyền thống Nam Bộ với mái che lợp lá, quầy sạp bằng tre, gỗ, dừa... và trang trí bằng những chất liệu mộc mạc, đơn sơ có tại địa phương.
Phiên chợ đầu tiên có 44 gian hàng, đến phiên chợ thứ năm đã có 92 gian hàng. Các quầy hàng trưng bày và bán sản phẩm địa phương rất phong phú, đa dạng như: cháo cá lóc đồng rau đắng, cháo ếch, cháo vịt xiêm, cá lóc đồng nướng ăn lá sen non, ốc luộc sả,...
Đáng chú ý, có hơn 30 loại bánh dân gian và các loại trái cây. Đến chợ, du khách còn được thưởng thức và giao lưu đờn ca tài tử. Doanh thu bán hàng tăng dần, ước đạt từ 150 triệu đồng đến 450 triệu đồng mỗi phiên. Lượng khách tăng từ 3.000 lượt trong phiên đầu, đến phiên thứ năm có khoảng 9.000 lượt.
Tỉnh Đồng Tháp là địa phương duy nhất ở đồng bằng sông Cửu Long có các phiên chợ quê diễn ra đều đặn định kỳ hằng tuần, hoặc hằng tháng. Đây là loại hình du lịch cộng đồng mang đến nhiều điều thú vị, mới mẻ; bước đầu có hiệu quả, thu hút nhiều du khách.
Trưởng phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp) Trần Chí Cường cho biết, thời gian tới, sở sẽ đến hỗ trợ, hướng dẫn cho các địa phương, người dân trong việc nâng cao chất lượng phục vụ khách tại phiên chợ.