Lăng thờ đá hay còn gọi là long đình, am thờ, giác môn đá..

Thập Tam Lăng – 13 lăng mộ vua nhà Minh, Trung Quốc

BẢN QUYỀN THUỘC VỀ THÁI AN TRAVEL Giấy phép kinh doanh lữ hành Quốc tế số: 01-1947/2022/TCDL-GP LHQT

Choáng ngợp trước “thành phố lăng mộ” ở Huế

Đây là khu lăng mộ được xem là lớn nhất và tráng lệ nhất ở nghĩa trang làng An Bằng. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Tuy không phải là địa chỉ du lịch nhưng khu nghĩa trang của làng An Bằng ở Cố đô Huế lại nổi tiếng đến độ nhiều du khách nước ngoài đã cất công tìm đến tận nơi để được mục sở thị những ngôi lăng mộ của người dân nhưng mang vẻ đẹp xa hoa, tráng lệ không kém gì lăng tẩm của các bậc vua chúa ngày xưa.

An Bằng vốn xưa là một làng chài nghèo ven biển của xã Vinh An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Làng nằm cách trung tâm thành phố Huế chừng gần 40 cây số về phía Đông Nam. Khoảng hơn chục năm nay, ngôi làng nhỏ này bỗng trở nên nổi tiếng và thu hút nhiều người, thậm chí cả du khách nước ngoài bởi cái sự lạ được đồn đoán khắp nơi khiến cho nhiều người hiếu kì muốn đến tìm hiểu.

Khu lăng mộ lớn nhất nghĩa trang làng An Bằng này rộng khoảng 400m2 và theo ước tính của nhiều người thì nó được xây dựng mất khoảng 10 tỉ đồng theo giá hiện thời, tức khoảng gần 400 nghìn USD. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Chuyện là ở ngôi làng này có khu nghĩa trang vô cùng kì lạ, có lẽ là độc nhất vô nhị, không đâu có như thế. Cả khu nghĩa trang rộng chừng 40ha trải dài từ trung tâm làng ra đến gần biển dễ có đến vài nghìn ngôi lăng mộ. Sở dĩ gọi chung là lăng mộ vì thông thường mộ chỉ lớn chừng vài chục mét vuông, xây cất khá đơn giản và chỉ chôn cất một người, còn lăng thì quy mô phải lớn hơn nhiều, mức độ xây dựng cũng cầu kì, phức tạp hơn và thường có thể là nơi chôn cất của nhiều người, thậm chí là của cả gia tộc. Trong khi đó các lăng mộ ở đây đa phần rộng từ 40 - 400m2, nhiều ngôi có cả cổng tam quan đường bệ cao đến 7-8m trông không khác gì cổng của những ngôi đình, chùa hoặc nhà thờ họ.

Điều đặc biệt là các lăng mộ ở nghĩa trang An Bằng chủ yếu thuộc sở hữu của dân làng nhưng được xây dựng công phu và tốn kém theo phong cách cung đình Huế với kiến trúc, quy mô nguy nga, tráng lệ khác thường. Giá thành xây dựng nên các ngôi lăng mộ này cũng cao ngất ngưỡng lên đến hàng tỉ, thậm chí cả chục tỉ đồng, tức khoảng hàng chục nghìn cho đến hàng trăm nghìn USD mỗi ngôi lăng mộ. Nói nôm na là giá thành xây dựng của một ngôi lăng mộ có khi bằng cả một ngôi biệt thự hạng sang bây giờ.

Ngay cạnh khu dân cư làng An Bằng là ngôi lăng mộ của ngài khai canh cũng bề thế và lộng lẫy với đủ tam quan, bình phong, sân chầu, hương án, bi đình, trụ biểu... như một ngôi đình cỡ lớn. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Sự nổi tiếng của khu nghĩa trang này không chỉ ở trong nước mà còn lan ra cả nước ngoài. Thậm chí, năm 2016, trang tin tức MailOnline của hãng tin Daily Mail (Anh) đã bất ngờ cho đăng tải một phóng sự dài kèm theo nhiều hình ảnh về khu nghĩa trang này với lời mở đầu không thể thu hút hơn rằng: “Chào mừng đến với ‘thành phố ma’, nơi người chết an nghỉ trong sự xa hoa.” (nguyên văn: “Welcome to the City of Ghosts, where the dead rest in luxury.”).

Theo tờ báo này, các ngôi mộ ở đây không chỉ to lớn, đồ sộ về kích thước mà còn được trang trí tỉ mỉ đến từng “inch”. Vì thế một số ngôi mộ dễ bị nhầm lẫn là những tòa dinh thự của giới nhà giàu với những con sư tử đá uy nghiêm trước cổng và những con rồng lấp lánh trang trí ở trên mái.

Một số người thợ nề làm nghề xây lăng mộ đã lâu năm ở đây cho hay họ không thể nhớ chính xác có bao nhiêu ngôi lăng mộ ở trong khu nghĩa trang này. Có những ngôi vừa xây xong được vài năm lại bị phá dỡ để xây mới, và lần xây sau bao giờ cũng lớn và đẹp hơn lần trước.

Những linh vật như rồng, hạc, sư tử... được đắp, khảm sành sứ theo kiểu cung đình vô cùng tinh xảo. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Các ngôi lăng mộ ở đây được xây theo nhiều kiểu khác nhau nhưng cơ bản tất cả đều được khảm sành sứ, một nghệ thuật trang trí nổi tiếng trong kiến trúc xây dựng cung đình Huế, nên rất tinh xảo, lung linh và diễm lệ. Vì thế, nhiều người cho rằng các ngôi lăng mộ này tuy là của người dân nhưng lộng lẫy và bề thế không kém gì lăng tẩm của các bậc vua chúa ngày xưa và có nét gì đó giống với những khu lăng tẩm nổi tiếng của các vua nhà Nguyễn.

Nét đặc biệt trên các ngôi mộ ở An Bằng là các nghệ nhân nề ngõa nổi tiếng của Huế đã kì công tô, đắp, khảm hàng nghìn, hàng vạn chi tiết, hình tượng trang trí lung linh bằng sành sứ như: rồng, phượng, nghê, sư tử, phù điêu, câu đối, tranh, tượng... Đó là chưa kể nhiều ngôi mộ còn có cả cổng tam quan, bình phong, sân chầu, hàng trụ biểu, nhà bia, lầu bát giác… uy nghi, đường bệ như ở các phủ đệ ngày xưa.

Sự nổi tiếng của khu nghĩa trang đã thu hút nhiều người nước ngoài hiếu kì tìm đến xem, thậm chí báo chí nước ngoài cũng nói đến hiện tượng lạ này. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Có ý kiến cho rằng việc người dân An Bằng bỏ tiền của và công sức để xây nên những ngôi lăng mộ xa hoa, lộng lẫy như thế này là sự tốn kém và hoang phí không đáng có. Tuy nhiên, với quan niệm “mồ yên, mả đẹp”, “sống cái nhà, thác cái mồ” nên người dân làng An Bằng nói riêng và người Huế nói chung xưa nay vẫn cho rằng việc xây cất mồ mả là chuyện đại sự của cả gia tộc vì nó liên quan đến vận số và cả tiếng tăm của người còn sống. Vì vậy, thậm chí có người còn sống nhưng đã cho xây sẵn phần mộ của mình và lấy đó làm điều hãnh diện.

Một lí do quan trọng khác đó là người dân An Bằng đa phần có con cháu sống định cư ở nước ngoài, số người này thường có điều kiện kinh tế khá giả nên hay gửi tiền của về cho gia đình ở trong nước thực hiện việc sửa sang, xây cất mổ mả tổ tiên cho thật đàng hoàng, to đẹp với mong muốn người đã khuất sẽ hài lòng, phù hộ cho con cháu, dòng tộc được bình an, sức khỏe, phát triển về đường công danh sự nghiệp.

Các lăng mộ dù thuộc những gia đình có tôn giáo khác nhau nhưng đều xây dựng và trang trí theo kiểu truyền thống Huế, đó là dùng nghệ thuật khảm sành sứ và sử dụng khá nhiều motip trang trí theo lối cung đình với các hình rồng, phượng, tùng, trúc, mây, hoa, lá... Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Bên cạnh đó, việc ảnh hưởng văn hóa, kiến trúc cung đình cùng với sự dồi dào về lực lượng thợ và nghệ nhân nề ngõa giỏi nghề khảm sành sứ, xây dựng lăng mộ cũng là một trong những lí do dễ khiến cho người dân An Bằng có xu hướng thích đầu tư xây dựng, mở mang mồ mả.

Cuộc sống trong nước hiện đang ngày càng phát triển, điều kiện đi lại, trao đổi giữa người dân trong nước với con cháu định cư ở nước ngoài cũng ngày một thông thoáng, dễ dàng hơn nên việc xây dựng những ngôi lăng mộ xa hoa, tráng lệ ở An Bằng có lẽ vẫn sẽ còn tiếp diễn. Và ngôi làng nhỏ bé bình yên này tiếp tục sẽ là điểm đến đầy hiếu kì và cũng không ít phần hấp dẫn, thú vị đối với nhiều du khách trong và ngoài nước khi có dịp đến với Cố đô Huế, vùng đất của các bậc đế vương xưa nên vốn được xem là còn nhiều điều kì lạ chưa biết hết./.